Văn hóa tặng quà là một nét đẹp trong cuộc sống, là sự thể hiện tình cảm trân quý của người tặng đối với người được tặng. Nhưng ngày nay, việc tặng quà đôi khi còn mang những ẩn ý khác như trả ơn, cầu cạnh… còn mang nặng về giá trị vật chất hơn là ý nghĩa tinh thần.

Văn hóa tặng quà đã xuất hiện từ thuở sơ khai trong tất cả các nền văn hóa. Tặng quà là một cách giao tiếp phi ngôn từ, nó giúp con người ta dễ thể hiện được những điều mà khó nói lên thành lời, nó là một dạng ngôn ngữ vật thể.
Về bản chất tặng quà là một hành vi tích cực, dễ thể hiện thông điệp trong giao tiếp. Nó đóng vai trò nâng cao hay phát triển các quan hệ thân thiết, nhằm thể hiện những sắc thái, tình cảm trong các mối quan hệ.
Tuy nhiên, chính việc ứng xử với hành vi tặng quà mới là điểm then chốt làm nên văn hóa tặng quà của nó. Ở đây, các đối tượng tham gia là người tặng và người nhận. Thái độ của họ thế nào trong bối cảnh giao tiếp đó, thể hiện về “chất”, lại cũng cho thấy những thông điệp về sự mong muốn về mối quan hệ.
Ngay từ xa xưa, người Việt chúng ta cũng đã rất ý thức về điều này. Chẳng thế mới có câu: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, hay “Của cho không bằng cách cho” v.v… Rất có thể, chỉ mấy bông hoa hồng thắm đỏ, với một chút đồ xinh xắn, nhưng được trao gửi “kèm” với một trái tim đang rung lên rộn rã chân thành, đã là…tuyệt diệu! Một gói bưu phẩm nhỏ bé cùng những lời nhắn gửi nồng nàn, sẽ được chờ đón với sự hồi hộp và trân trọng từ những người yêu phải ở cách xa nhau. Đó gọi là “quà nhân dịp”.
“Quà nhân dịp” người ta thường tặng nhau nhân một dịp nào đó (ví như dịp Tết, sinh nhật, hay Lễ Valentine v.v…), vì vậy, nó mang “tính tất yếu” rất cao. Loại quà này thường để tặng người thân, giá trị vật chất có khi rất nhỏ nhưng ý nghĩa tinh thần thì rất lớn.

Bên cạnh đó, “quà chiến lược”, “quà biểu cảm”, “Quà hàm ẩn” cũng được người ta sử dụng triệt để trong những dịp trên nhưng là của cấp dưới đối với cấp trên, người chịu ơn đối với người làm ơn. Thời buổi kinh tế thị trường, người ta đều sống rất thực dụng. Mỗi khi tặng quà đều phải có mục đích : Được yêu, được để ý, được nhờ cậy ban ơn, được cất nhắc… và đôi khi là một sự “hối lộ” trá hình. Loại quà tặng này giá trị vật chất thường rất lớn, cách thức tặng quà cũng khác: thường là trực tiếp gặp để tặng, không bao giờ gửi qua bưu điện hay chuyển qua tay người khác. Những loại quà giá trị lớn như vậy người ta ít tặng người thân yêu bên cạnh mình (bố mẹ, vợ con) trong những ngày kỷ niệm như sinh nhật, Tết… nhưng lại rất để ý đến sếp mỗi dịp như vậy. Có ai đó đã vô tâm quên ngày sinh của bố mẹ, của vợ con nhưng lại rất rành ngày sinh của sếp, của con sếp để nhân dịp tặng quà mà leo cao đạt được một mục đích nào đó không trong sáng.

Tuy nhiên, ngoài cách tặng (sự nhiệt tình, chân thành), thì những khía cạnh khác như loại quà gì, vào lúc nào, lại có sự khu biệt đáng kể, tùy theo từng phong tục, tập quán của mỗi cộng đồng dân tộc. Có nhiều khi, sự bất cẩn trong tặng quà, khiến món quà tặng vốn mang ý nghĩa đẹp đẽ, lại gây ra những khó xử cho cả người tặng và người nhận.
Người nhận quà cũng cần phải chú ý đến “văn hóa nhận quà”: Với loại “quà nhân dịp” thì nên tỏ thái độ vui mừng khi người tặng biết nhớ đến mình nhân dịp quan trọng. Không nên mở quà ngay trước mặt người tặng nếu không được người tặng cho phép . Càng không nên chê nếu món quà không vừa ý mình. Nếu không dùng được (do không vừa ý) thì cũng nên cất đi, tránh tỏ thái độ khiếm nhã trước mặt người tặng.
Với loại “quà hàm ẩn”, “quà chiến lược”, “quà biểu cảm” dĩ nhiên người nhận phải biết người tặng mình sẽ có mục đích gì. Các cụ nhà ta vẫn dạy: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”, người nhận tất sẽ bị ràng buộc vào một mục đích nào đó…
Tặng quà là một biểu hiện sự quan tâm lẫn nhau, là một cách thể hiện tình cảm cụ thể .Vậy nên, bản thân việc tặng quà đã có tính văn hóa và nhân sinh cao. Và điều đó tất nhiên đòi hỏi cả người tặng và người nhận một ứng xử phù hợp. Chỉ lúc đó, món quà tặng mới thực sự trở nên ý nghĩa./.
Nguồn: Sưu tầm.